Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải sau năm 2015
Nước ta hiện đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa gắn liền với chủ động hội nhập quốc tế và nền kinh tế tri thức đang chi phối tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Việc chọn dự án đầu tư, vị trí và quy mô đầu tư phải có tư duy toàn diện, tổng quát, gắn liền với tư duy tầm nhìn chiến lược, xu thế phát triển, gắn liền với yếu tố văn hóa xã hội và quốc phòng an ninh.
Về đề xuất mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hay sân bay Biên Hòa, tôi có ý kiến sau: Cả hai sân bay này đều được đầu tư xây dựng vào những năm 60 của thế kỷ trước, cách nay đã hơn 50 năm. Khi đó, dân cư đô thị chưa phát triển, vùng Tân Sơn Nhất và Biên Hòa bấy giờ dân cư thưa thớt, giá trị đất còn rất thấp. Ngày nay, hai vùng này đã thành nội đô, giá trị đất cao gấp nhiều lần, chi phí đền bù để mở rộng sân bay sẽ rất cao. Hơn nữa, khi mở rộng sân bay phải tính đến chi phí gián tiếp cho việc mở rộng giao thông đô thị để phát huy hiệu quả vận tải hàng không. Và chi phí mở rộng giao thông có lẽ sẽ tốn kém gấp mấy lần so với chi phí chênh lệch giữa đầu tư mới với nâng cấp cũ.
Bên cạnh đó, việc tồn tại một sân bay quốc tế quy mô lớn – hiện đại nằm trong vùng lõm đô thị là không an toàn, sẽ cản trở quá trình phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa vùng đô thị. Kèm theo đó sẽ là các vấn đề về ô nhiễm, trật tự đô thị, thẩm mỹ quy hoạch đô thị lớn... Nói chung, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hay sân bay Biên Hòa lên quy mô lớn đều cho thấy sự bất ổn trong tầm nhìn 30 – 40 năm sau cũng như những vấn đề bền vững trước mắt.
Tôi cho rằng, đầu tư mới sân bay Long Thành vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài, là sự đầu tư tiết kiệm và hiệu quả, là sự phát triển mang tính bền vững ở góc độ kinh tế lẫn văn hóa - xã hội – quốc phòng và an ninh.
Long Thành có vị trí kinh tế đắc địa, tiếp giáp giao thông bộ, thủy, hàng hải.... Đầu tư sân bay Long Thành không phải tốn kém các chi phí gián tiếp cho việc mở rộng giao thông đô thị, tránh ùn tắc giao thông... Hiện giá trị đất tại Long Thành thấp hơn ở Biên Hòa và Tân Sơn Nhất nên khi GPMB sẽ không tốn kém bằng. Hơn thế, khi sân bay Long Thành hoạt động sẽ tác động và thúc đẩy vùng kinh tế lân cận phát triển. Trong khi đó, nếu mở rộng Biên Hòa và Tân Sơn Nhất thì cũng không có ý nghĩa thúc đẩy kinh tế cho các vùng phụ cận.
Như vậy, chọn vị trí Long Thành tuy là đầu tư mới nhưng chi phí sẽ không cao hơn nhiều so với mở rộng cái cũ, mặt khác với cái nhìn bao quát và toàn diện thì ta sẽ thấy những hiệu quả kinh tế qua sự tác động hiệu ứng và gián tiếp khi sân bay đi vào hoạt động.
Về góc độ văn hóa – xã hội, sân bay Long Thành sẽ khắc phục được những khiếm khuyết của hai sân bay hiện nay là ô nhiễm tiếng ồn, có rủi ro thiệt hại lớn nếu xảy ra tai nạn. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn xác định: Phát triển kinh tế phải gắn liền văn hóa – xã hội và con người, phải gắn liền với phát triển bền vững. Không thể đánh đổi sự giảm một phần chi phí đầu tư mà có nguy cơ gây tổn hại đến sự an toàn và phát triển bền vững.
Về góc độ quốc phòng và an ninh, ngày nay, ở các nước tiên tiến trên thế giới, hầu hết các sân bay đều nằm cách trung tâm thành phố từ 60 - 80km, bởi ngoài những vấn đề trên, họ còn tính đến yếu tố quốc phòng an ninh, cự ly 60 – 80km lý tưởng cho thế trận chiến lược khi tình huống xảy ra. Thực tế, ở nhiều nước đã cho ta thấy một bài học: Sân bay không nằm nên trong vùng đô thị sầm uất, bởi khi xảy ra tình huống như chiến tranh, biểu tình, gây rối... sẽ cực kỳ khó khăn khi xử lý.
Nói tóm lại, với một góc nhìn và một tư duy mới thì ta luôn chọn một vị trí có địa kinh tế - địa chính trị và địa xã hội an toàn và phát triển bền vững. Và như thế giữa 3 vị trí khác nhau: Tân Sơn Nhất – Biên Hòa – Long Thành thì Long Thành là câu trả lời chính xác nhất, chiến lược nhất và hiệu quả tối ưu nhất.
Nguyễn Trung Công
Báo Giao Thông Vận Tải
Tham khảo thêm thông tin:
Dự án Eco Town - cộng đồng xanh- văn minh- hiện đại
Dự án Sunflowercity khởi đầu mới cho cuộc sống mới
Dự án eco village – hòa mình vào thiên nhiên cùng gió và nước
Xây dựng sân bay Long Thành là phương án tối ưu